Sau khi niệm
danh Cao Đài, kính bạch Hội Thánh Lưỡng Đài, kính chào tất cả,
Tác giả Điền Lạc đã nêu câu hỏi:
Câu hỏi số 8:Ân xá trong Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ độ, ai cũng có nghe và biết đến. Sao còn có từ Đại Ân Xá
nữa? Đại ân xá là gì? Nhờ hiền huynh Điền Lạc nói rõ giùm. Xin
cảm ơn.
Xin đáp:
Một đề tài thú
vị, một câu hỏi rất hay. Câu hỏi này tôi đã tìm hiểu rất lâu.
Những phần thu thập được trong kinh điển của đạo Cao Đài cũng
chưa đầy đủ, nên chưa thấy hài lòng. Nhưng không để cho quý bằng
hữu chờ đợi quá lâu. Nay chúng tôi trình bày sơ bộ những nét
chính, sau này có dịp sẽ bổ sung thêm.
Theo ý nghĩa phổ
thông, ân xá được đi kèm với phạm nhân, có tội nên gọi là giảm
tội hay tha tội.
Hằng năm vào các
ngày lễ lớn như quốc khánh, ngày giổ tổ Hùng Vương, Ngày tết
v.v. Chủ Tịch Nước thường ký lệnh ân xá cho các phạm nhân. Ân xá
có ba dạng:
- Rút ngắn thời
gian thi hành án tù. Gọi là giảm án
- Đổi án tử hình
sang thành án khổ sai. Tha tội chết
- Cho về nhà sớm
hơn bản án đã định…
Tất cả các dạng
ân xá trên thuộc phạm vị quyền đời của một quốc gia.
Trong cửa Đạo,
Án của ta đã do chính ta định. Theo luật công bình nhơn quả
tuyệt đối, Ông Trời không thể giảm án hay tha thứ tội đã làm cho
bất cứ ai. Nên ý nghĩa ân xá trong Đạo khác hơn hoàn toàn so với
ý nghĩa của đời.
Sự khác biệt này
được chú ý trong hai thời điểm. yếu tố tội phạm đã làm trong quá
khứ và yếu tố thời gian tương lai chưa làm.
Theo luật nhơn
quả, tội đã làm thì phải trả quả đúng theo luật công bình không
thể thay đổi, không thể tha thứ.
Về yếu tố thời
gian trong tương lai, Chí Tôn có thể chỉ hạ tiêu chuẩn lập công
bồi đức tu học từ mức khó xuống mức dễ cho mọi chơn linh ai cũng
có cơ may tu học thành chánh quả.
Chúng ta là những
môn đệ của Đức Cao Đài Ngọc Đế. Đức Chí Tôn mở Đạo kỳ Ba nầy để
ân xá và phổ độ chúng sanh. Vậy chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa
đầy đủ của Ân Xá kỳ nầy là gì?
Hai từ Ân Xá được
nhiều người nhắc đến trong lúc nói chuyện đạo, tìm hiểu giáo lý
đạo… nhưng chưa thấy một sự giải thích nào đầy đủ nhứt để chúng
ta cảm nhận được sự quí giá mà Chí Tôn ban cho chúng ta.
…
ÂN XÁ với nghĩa
thông thường là ban ơn, giảm nhẹ hình phạt và đặc cách tạo điều
dễ dãi cho chúng sanh. Ân xá không phải là tha tội cho ra khỏi
tù sớm như nhà nước của thế tục thường làm vào các dịp lễ lớn …
Trong lần khai Đại
Đạo kỳ ba nầy, chữ Ân Xá còn có nhiều ý nghĩa đặc biệt hơn. Đó
là Đại Ân Xá. Có sáu ý nghĩa sau đây:
1- Hồi Nhứt kỳ và
Nhị kỳ phổ độ, chúng sanh theo học Đạo phải tầm sư (người đi tìm
Đạo) phải tùng theo pháp luật của Đạo Trời, của giáo chủ để tu
học. Ngày nay, Chí Tôn ban cho chúng sanh quyền được tự lập luật
mà tu. Nhơn sanh lập luật xong dâng lên Chí Tôn phê chuẩn luật
ấy trở thành Thiên luật.
2- Nhứt kỳ và nhị kỳ
phổ độ nhơn sanh theo đẳng cấp tu hành mà thăng lên từ Địa cầu
68 lên Địa cầu 67 v.v
Thánh Ngôn đã nói rõ
là nếu không được ân xá thì chúng sanh nếu có đủ hạnh đức cứ
theo thứ bậc đi lên mà về cùng Thầy, nghĩa là chúng sanh phải
qua Thất Thập Nhị Địa (72 địa cầu), Tứ Đại Bộ Châu, Ba Ngàn Thế
Giới … mới về tới Bạch Ngọc Kinh. Mỗi nơi đi qua để tu học chúng
sanh phải đầu một kiếp, và phải bỏ lại một xác chết, tổng cộng
là ta phải bỏ lại ba ngàn bảy mươi hai cái xác nơi cõi trần nầy
nếu kiếp nào cũng biết tu hành, chưa kể có những kiếp gây ác
nghiệp phải luân hồi trả quả. Tổng cộng 3072 cái xác của ta bỏ
lại, tưởng tượng nghĩa trang chôn một mình ta lớn như là Cực lạc
Thái Bình vậy!
3/- Khai Đạo kỳ nầy,
có Phật Mẫu và Cửu Vị Nữ Phật đưa đường đẫn lối cho các chơn
linh trong chín Tuần Cữu và Tiểu Đại Tường nên trong một kiếp tu
cũng có thể về đến Bạch Ngọc Kinh được nếu ta giữ tròn luật pháp
chơn truyền Đại Đạo.
Cửu Vị Nữ Phật sẽ
không đưa đường cho những chơn linh nào canh cải chơn truyền,
phạm pháp luật, không tùng Hội Thánh do Chí Tôn lập (theo Đạo
Nghị Định thứ tám) dù lúc ở thế có tự phong phẩm phong chức lớn
đến đâu đi nữa!
4/- Ngày xưa theo
Cựu Luật người hành giả phải trường chay mới tu đắc đạo. .Ân xá
lần thứ ba quyền Vạn Linh đã lập luật được Quyền Chí Linh phê
chuẩn chấp thuật tạo cơ hội cho mọi người tu dễ dàng. Tân luật
chỉ buộc ăn chay mười ngày cũng được thọ truyền bửu pháp.
5/- Ý nghĩa Ân xá
thứ năm: được xóa tội tiền khiên nếu biết tùng luật pháp chơn
truyền tu hành lập công bồi đức. Điều này nếu không dẫn chứng cụ
thể sẽ rất khó thấy. Xin nói rõ hơn: ví dụ có hai người đời một
hiền lương, một hung dữ. Cả hai nhập môn cầu Đạo một lượt, trọn
tùng luật pháp như nhau, lập công như nhau, thọ phong chức việc
chức sắc Giáo Hữu như nhau thì khi thoát xác vẫn được hành pháp
hưởng ân huệ như nhau. Tội ác đã làm trước khi vào Đạo của người
ác hành được mặc nhiên xóa bỏ.
6/-Đó là việcđóng cửa ngục mở từng Thiên.
Đây là một dạng ân xá đặt biệt cho mọi người một cơ hội lập công
chuộc tội. Chứ không phải ân xá tha tội.
Đóng cửa ngục thả hết tội hồn lên đầu kiếp mang xác phàm tu học.
Có người may mắn gặp Tam Kỳ Phổ Độ, có người không gặp. hoặc có
người gặp nhưng không tin. Vì vậy mà xem nhẹ lời minh thệ khi
nhập môn cầu đạo. Nên đức Chí Tôn mới căn dặn đừng để uổng một
kiếp sanh may duyên gặp Đạo là vậy.
Kính Chư Huynh, Tỷ,
Đệ, Muội
Không phải Đức Chí
Tôn và Chư Thần Thánh Tiên Phật ân xá cho mọi người đâu. Đức
Chí Tôn chỉ ân xá cho Môn Đệ Cao Đài hữu thệ. Chỉ ân xá cho môn
đệ nào biết tùng luật Pháp Chơn Truyền mà thôi! Đừng tưởng ân xá
cho người phạm luật, canh cải luật và phá Pháp luật.
Nếu ân xá tất cả (người tu theo cựu luật, người phạm luật, canh
cải luật và phá Pháp luật) thì Chí Tôn đâu cần khai Đạo kỳ ba
nầy và buộc chư môn đệ phải minh thệ mà làm gì!?
Đối với chúng sanh là con cái của Chí Tôn thì Người bác ái;
nhưng đối với Môn Đệ thì người thật công bằng và nghiêm khắc!
Đừng nhầm lẫn hai
khái niệm Con Cái và Môn Đệ. Con cái gọi chung tất cả chúng sanh
trong bát hồn. Không phải tất cả con cái của Chí Tôn đều là
môn đệ của Chí Tôn! Môn đệ chỉ là những người lập thệ nhập môn
mà thôi! !!
An Bùi
--o O o--
Quí vị vừa nghe xong bài viết của tác giả An Bùi.Đúng như phần giới thiệu đoạn đầu. Ân xá trong Đạo Cao
Đài không nhằm người có tội được giảm tội mà nhắm vào việc hạ
tiểu chuẩn tu học được giảm nhẹ của kỳ phổ độ lần này’
Điều ân xá đặc biệt nhứt là có Cửu Vị Nữ Phật đưa đường từng
bước về Bạch Ngọc Kinh. Nếu Cửu Vị không đưa không ai biết đường
nào về với Chí Tôn.
Sách Thánh hiền có câu:
Sanh tiền bất tri thiên đường lộ,
Tử hậu nan ly địa ngục môn.
Nghĩa là khi còn sống không biết đường về Trời, sau khi chết khó
tránh khỏi cửa địa ngục.
Cửu Vị chắc chắn sẽ không đưa cho chơn hồn nào không giữ lời
minh thệ, không tùng Luật Pháp Chơn Truyền.
Đừng ỷ lại vào các vị chức sắc thượng sớ cầu rỗi cho các chơn
hồn các chơn hồn sẽ được siêu rỗi. Dầu cho mang phẩm trật cao
đến đâu nhưng với cách cầu phong thăng thưởng ngoài Pháp Chánh
Truyền không được quyền thiêng liêng công nhận, thì việc cầu rỗi
ấy các đấng cũng không nhận.
Vì lý do đó, hiện tại khi trong nhà có người quá cố, đồng đạo cố
tìm cho bằng được các vị chức sắc của Đức Lý phong thưởng để
hành lễ tang tế sự cho cha mẹ và thân nhân mình.
Quý vị có phát hiện thêm điều nào nữa về Đại Ân Xá xin đóng góp
ý kiến.
Đến đây xin tạm ngưng buổi Luận Đàm Đạo Sự. Kính chào tạm biệt.
Nam mô Cao Đài tiên Ông đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Lê Thị Minh
Trang
(Lược ghi theo bài nói chuyện của tác giả Điền Lạc trên Kênh
Luận Đàm Đạo Sự.)