GÓC
SỬ KIẾN NGUYÊN
(P1)
(Sử Kiến Nguyên, FB 01/9/2022)
Bài 4:
Ý NGHĨA VÀ BÍ PHÁP
CUỘC LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG
Mỗi năm Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có thiết lập lễ Hội Yến
Diêu Trì Cung nơi Đền Thờ Phật Mẫu Tòa Thánh Tây Ninh, nhưng
phần đông con cái của Mẹ chưa nhận thức cả về huyền vi mầu nhiệm
của Lễ nầy, nên xin chư tín hữu để tâm suy nghiệm.
Trước khi bàn đến chỗ Bí Pháp cuộc lễ thì nên tìm hiểu
nguyên lý cơ cấu
tạo càn khôn vũ trụ hữu vi và cơ cấu tạo cả vạn loại hữu sanh,
nhứt là người:
Quyền năng vô biên của Đức Chí Tôn đã ban cho ánh linh quang
giữa trời người hiệp một.
Ngôi Thái Cực là cực Dương mà cũng là Thiên tức là ánh linh
quang hay là hình thể của Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ.
Ngôi Thái Âm là cực Âm mà cũng là Địa tức là hình thể Âm có Tây
Vương Mẫu hay là hình thể Đức Phật Mẫu.
Cả hai ngôi hỗn hợp lại tạo một hình thể thứ ba là cơ thể hữu
vi, tức là càn khôn vũ trụ. Rồi trong càn khôn vũ trụ hữu vi nầy
mới phối hợp lại do Âm Dương tương hiệp cấu tạo ra hình thể của
chúng sanh hay là cả vạn loại hữu sanh trên hoàn vũ mà đại diện
là người với một hữu vi đầy đủ.
Vì thế nên có câu kinh:
“Đại Từ Phụ từ bi tạo hóa,
Tượng mảnh thân giống cả càn khôn.”
Người đó có đủ tam bửu là Tinh, Khí, Thần.
TINH là hữu vi, KHÍ là trung gian, khí
chất và THẦN là vô cực, mà
điểm Thần ấy có sẵn trong vạn vật, song nó chỉ là điểm tượng
chung nhỏ nhít không đáng kể. Duy có nhơn loại là được điểm linh
quang sáng chói hơn cả muôn loài và chính nhờ đó mà từ thể chất
tiến lên khí chất và tiến triển mãi thêm lên cho đến tận thiện
tận mỹ.
Theo chơn pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì mọi cơ cấu nơi cõi
vô hình đều có cơ cấu hữu hình đối tượng trong cửa Đạo nơi mặt
thế:
- Ở cõi Thiêng Liêng có Cửu Thiên Khai Hóa thì trong cửa Đạo Cao
Đài có đối tượng hữu vi là Cửu Trùng Đài,
- Còn ở vô hình có cơ cấu tạo ra cung Trời là Thập Nhị Khai
Thiên tức là Thập Nhị Thời Thần thì ở cửa Đạo có đối tượng hữu
vi là Thập Nhị Thời Quân,
- Còn nói về Hội Yến Bàn Đào thì ở vô hình nơi Cung Diêu Trì mỗi
năm đến mùa đào chín Đức Diêu Trì Kim Mẫu, tức Đức Phật Mẫu mở
lễ Hội Yến Bàn Đào có tất cả chư Phật Tiên ở các nơi đều về chầu
lễ, được ăn một quả đào Tiên sẽ đặng trường sanh, thì ở cửa Đạo
Cao Đài cũng có tổ chức một cuộc lễ hữu vi đối tượng tại Đền Thờ
Phật Mẫu ở Tòa Thánh Tây Ninh cho cả Chức Sắc Thiên Phong ở tứ
phương, nhứt là Chức Sắc Hiệp Thiên Đài đều về chầu lễ để hưởng
ân điển của Phật Mẫu ban cho.
Như theo vừa giải thích trên đối tượng của Cửu Thiên Khai hóa
thì chỉ có một Hội Thánh Cửu Trùng Đài và đối tượng của Thập Nhị
Khai Thiên chỉ có Thập Nhị Thời Quân mà thôi. Còn đối tượng của
Hội Yến Diêu Trì thường gọi là Hội Yến Diêu Trì Cung thì ở hữu
vi chỉ có một Lễ Hội Yến Diêu Trì Đền Thờ Phật Mẫu tại Tòa Thánh
Tây Ninh mà thôi.
Nếu ai mạo hiểm tự tổ chức Lễ Hội Yến một nơi nào khác ngoài Tòa
Thánh Tây Ninh thì phải bị phạm pháp không sao tránh khỏi, trừ
khi Đức Hộ Pháp ở Kim Biên nhơn danh là Chưởng Quản Hiệp Thiên
Đài mới tổ chức được mà thôi. Nhưng sau nầy Đức Hộ Pháp đăng
tiên rồi thì ở Kim Biên tổ chức một buổi lễ tưởng niệm mà thôi,
tức là không có Đồng Nhi thài và không có bồi tửu.
Về Chơn Pháp và cũng về Bí Pháp
mọi cơ cấu hữu vi đều phải có đủ tam bửu là Tinh, Khí, Thần.
Về một tôn giáo là một cơ cấu hữu vi thì cũng không ngoài luật
ấy, nên trước tiên cần có một chủ hướng là Tinh Thần, Tinh Thần
ấy là tín ngưỡng. Chủ Tinh Thần ấy là Linh Hồn của Đạo Giáo, mà
linh hồn của Đạo Giáo Cao Đài là Đức Chí Tôn chủ về cực Dương.
Một tôn giáo muốn sống bền vững và phát triển tốt đẹp thì tôn
giáo ấy phải có đủ tam bửu ấy là Tinh, Khí, Thần:
- Về Thần thì khi lập Đạo Cao Đài, Thần đã sẵn có khi Đức Chí
Tôn làm chủ linh hồn của đạo giáo.
- Về Khí thì buổi phôi thai chưa mấy tựu thành, nên Đức Chí Tôn
mượn hình thể của Diêu Trì Cung làm Khí.
- Còn Tinh là hình thể của Đạo Cao Đài tức là ba chi: Pháp, Đạo
và Thế tượng trưng là Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh.
Lúc nền Đạo mới phôi thai thì Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu có
giáng cơ dạy cách thức lập lễ Hội Yến Bàn Đào vào ngày rằm tháng
8 năm Ất Sửu nơi căn phố tư gia của Đức Thượng Phẩm và dạy cả 3
vị Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh phải ngồi vào bàn Yến với
Cửu Vị Nữ Phật dưới quyền chủ tọa của Đức Phật Mẫu còn bên trên
thì có Đức Chí Tôn hành pháp vô vi lập thành hình thể hữu vi của
Đạo Cao Đài có đủ Tinh, Khí và Thần hợp nhất trong trong một Bàn
Yến mà Bàn Yến ấy về phần vô vi chủ yếu là
trường sanh bất tử.
Nên Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung mà Đức Chí Tôn cho lập tại cửa Đạo
Cao Đài cốt yếu là hội đủ cả
3 Bửu Pháp là: Tinh, Khí, Thần
để lập thành một cơ cấu trường sanh bất tử, tức là sự trường tồn
vĩnh cửu của Đạo Cao Đài ấy vậy.
- Còn hỏi tại sao có mặt Thập Nhị Thời Quân bồi tửu trong Bàn
Hội Yến thì nên nhớ rằng ở cõi vô hình phải có Thập Nhị Khai
Thiên tức là Thập Nhị Thời Thần phối hợp nhau để tạo ra Cung
Trời thì ở mặt thế nầy đối tượng của Thập Nhị Khai Thiên là Thập
Nhị Thời Quân cũng phải phối hợp cùng nhau để giúp tạo thành
hình tướng của Đạo Cao Đài . Vì đó mà Thập Nhị Thời Quân có mặt
bồi tửu trong buổi Lễ Hội Yến.
- Bên Cửu Trùng Đài là hình ảnh của Cửu Thiên Khai Hóa mà nơi
cõi vô hình thì Cửu Thiên Khai Hóa chỉ là sự phân chia đẳng cấp
của cơ Trời, còn về phần hữu hình thì Cửu Trùng Đài cũng chỉ là
sự phân chia đẳng cấp trong cửa Đạo mà thôi.
Nếu bên vô hình Cửu Thiên Khai Hóa không có dự phần phối hợp để
tạo ra Cung Trời thì trong đối tượng về phần hữu hình Cửu Trùng
Đài cũng không có dự phần phối hợp để giúp tạo thành hình tướng
của Đạo Cao Đài.
Vì những nguyên do trên đây mà Chức Sắc Cửu Trùng Đài không có
dự vào việc bồi tửu trong Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung và lễ nầy mới
đặc biệt thuộc phần tổ chức của Hiệp Thiên Đài.
Khi nhận thức được rõ cả Bí Pháp nhiệm mầu và ý nghĩa sâu xa
cuộc Lễ Hội Yến rồi thì sẽ thấy rõ chỗ tối cao tối trọng cuộc lễ
là dường nào.
Hình ảnh cuộc Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung nơi cửa Đạo Cao Đài hiện
nay là lễ kỷ niệm lưu dấu ngày tạo thành hình tướng hữu vi tức
là ngày sanh của Đạo Cao Đài mà cũng là một đặc ân cho cửa Hiệp
Thiên Đài.
Lễ kỷ niệm nầy lẽ ra quan trọng gấp mấy lần ngày 7 Octobre 1926
là ngày thông báo cho chánh quyền Pháp buổi ấy biết rằng Đạo Cao
Đài chánh thức thành lập và cũng quan trọng hơn ngày rằm tháng
10 là ngày gọi rằng Khai Đạo chớ thật ra chỉ là ngày Khai Sanh
hay là một Lễ Kỷ Niệm ngày khánh thành đầu, chớ ngày tạo hình
tướng của Đạo tức là ngày sanh của Đạo là ngày rằm tháng 8 vào
ngày Hội Yến Diêu Trì Cung đó vậy.
Ngày ấy là ngày vui cho sự trường tồn vĩnh cửu của cõi Trời
ngược lại cảnh đảo lộn của Tam Thập Lục Động và cũng là ngày vui
của sự trường tồn vĩnh cửu của Đạo Cao Đài đến Thất ức niên
(700.000 năm).
Ngày ấy yến tiệc linh đình nơi Cung Diêu Trì thì cũng ngày ấy là
hình tướng của Thập Nhị Khai Thiên ở mặt thế nầy tức là Thập Nhị
Thời Quân cũng tổ chức Lễ Hội Yến để mừng ngày Đạo Cao Đài đã
qui hợp đủ ba Bửu Vật cần thiết cho sự sống và tồn tại là Tinh,
Khí, Thần và cũng là ngày tạo Sanh hình tướng hữu vi của Đạo Cao
Đài đó vậy.
Như thế mới thấy rõ cả sự hệ trọng và mầu nhiệm của cơ Trời và
luôn cả sự quí báo vô song Bí Pháp nhiệm mầu để tạo thành hình
thể hữu vi của nền Đại Đạo cho được trường tồn vĩnh cửu.
(Lời giảng của ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa tại Hạnh Đường năm 1972)