ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

TÒA THÁNH TÂY NINH

HƯƠNG ĐẠO FLORIDA

 

TRANG CHÍNH

NỘI QUY

ĐẠO HỌC LUẬN

GÓC NHÌN

VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

THƯ TÍN

TIN TỨC SỰ KIỆN XÃ HỘI

LIÊN LẠC

E-MAIL

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẠM TỘI VÀ PHẠM THỆ

Phân biệt Phạm-Luật Phạm-Pháp và Phạm-Thệ.

Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát

       Kính thưa quý vị,

       Hôm nay nhóm tín đồ già của chúng tôi lại ngồi cùng nhau tìm hiểu Giáo Lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đề tài hôm nay tìm về các ý nghĩa sự khác biệt của phạm luật phạm pháp và Phạm Thệ trong đạo Cao Đài như thế nào?

       Theo sự thăm dò tìm hiểu mới phát hiện sự hiểu biết thông thường của đa số đồng đạo thì cho mọi thứ đó là giống nhau họ gọi chung là làm sai hay làm đúng mà thôi.

       Thực ra mọi thứ có một ý nghĩa khác nhau rất quan trọng.

       Nói về đúng sai thì ta phân biệt hai nhóm : SAI LUẬT PHÁP  và SAI MINH THỆ.

       Trong Đạo Luật Mậu Dần 1938, Chương Tòa Đạo qui định: sai luật pháp thì dựa trên khung Thập-hình của Đức Lý Giáo Tông xét trị. Trị đây là trị về phần hữu hình. Do cơ Quan Pháp Chánh Hiệp Thiên Đài minh tra xét xử.

       Trong Thập Hình của Đức Lý Giáo Tông có quy định hai khung hình phạt riêng cho Phạm Pháp và Phạm Luật. Trong đó không có quy định nào cho việc Phạm Minh Thệ.

       Theo điều thứ mười lăm Đạo Luật Mậu Dần: Ðịnh án những người phạm Luật Pháp

LUẬT:

Những vị nào phạm Luật Pháp, thì chiếu theo Thập Hình của Ðức Lý Gìáo Tông mà định tội. Kẻ phạm phải chịu dưới 2 quyền luật:

1- Luật: là Tân Luật và Luật Hội Thánh.

2- Pháp: là Pháp Chánh Truyền và Ðạo Nghị Ðịnh.”

“I- PHẠM PHÁP:

Gồm có năm hình phạt cao nhứt là trục xuất ra khỏi Đạo và thấp nhứt là ngưng quyền chức trong Đạo từ một đến năm năm (1-5 năm). Mời xem chi tiết tại chương TÒA ĐẠO trong ĐẠO LUẬT MẬU DẦN.

 

II- PHẠM LUẬT

Thêm vào năm hình phạt dành cho việc phạm Pháp còn thêm năm hình phạt nhẹ hơn nữa dành cho người phạm Luật  (từ hình thứ 5 đến hình thứ 10)

Nặng nhứt cũng là trục xuất ra khỏi Đạo và nhẹ nhứt là tìm hầu kẻ đức hạnh mà học Đạo (mời xem chi tiết tại chương TÒA ĐẠO trong Đạo Luật Mậu Dần.)

***

       Mức độ trừng phạt trong Thập Hình của Đức Lý nặng nhẹ khác nhau dành riêng cho hành vi phạm pháp hay phạm luật. Cả hai hình phạt dành cho phạm pháp và pháp luật đều nằm ở lĩnh vực hữu hình mà thôi.

       Tuy nói phạt về hữu hình, nhưng thể xác của người bị phạt không hề bị tổn thương hay đau đớn. Chủ yếu là để thức tỉnh tinh thần môn đệ trở lại con đường ngay nẻo chánh. Hình phạt cao nhất trong Thập Hình là trục xuất ra khỏi cửa Đạo. Có nghĩa là không được vào trường Đạo học đạo nữa. Đối với người không tín ngưỡng, việc trục xuất ra khỏi cửa Đạo không làm cho họ đau khổ vì họ không bị ràng buộc giáo luật giáo điều. Đó là phần Đạo, nhưng phần đời họ vẫn phải tuân thủ theo luật pháp nhà nước. Ngày xưa Hớn Lưu Khoan trị dân bằng đánh roi lát cho biết nhục mà sửa chữa chứ không dùng hình phạt gây đau đớn thể xác. (Hớn Lưu Khoan trách dân bồ-tiên thị nhục -TNHT). Ngày nay, nơi cửa Đại Đạo, Đức Chí Tôn lấy Nho Tông chuyển thế. Luật Pháp Đạo lấy đức-hạnh để cảm hóa và giáo dục tín đồ. Hội Thánh tức Đức Lý và Đức Hộ Pháp không trị chư môn đệ bằng hình phạt nhục hình, mà chỉ trị tín đồ bằng cách răn đe cho người bị phạt tự ăn năn sám hối cải tà quy chánh như trên lược qua Thập Hình đã rõ.

       Bị trục xuất có nghĩa là không được vào cửa thiền môn để học Đạo. Sự  tấn hoá về mặt tâm linh kẻ ấy không ai dắt dẫn.Ta có thể nghĩ nơi đó ánh sáng của Đạo không soi thấu. Phải chăng đó là Bắc Cưu Lưu Châu chăng? Nói rõ hơn nơi không có Đạo khai là nơi của Chúa Quỷ Kim Quang Sứ  trị vì vậy.

***

       Tiếp theo đây tìm hiểu về hình phạt đối với việc phạm lời Minh Thệ. Người tín hữu Cao Đài mới nhập môn cầu Đạo đã Minh Thệ trước Đấng Cha Trời giữ ba điều: một là chỉ biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, hai là hiệp đồng Chư Môn Đệ, ba là gìn luật lệ Cao Đài. Và tự mình cam kết nếu có lòng hai tức là thay lòng đổi dạ thì Thiên tru  Địa lục.

       Tru giết người có tội (Tru () - Từ điển Hán Việt phổ thông) . Lục giết và Phân thây ( - Từ điển Hán Việt phổ thông .)

       Giết đây không phải giết phần xác có sự sống của một con người mà là giết sự tấn hóa của phần linh hồn. Đó là hình phạt vô cùng nặng nề với của người có tín ngưỡng.

       Chức việc và chức sắc có lời Minh thệ nặng hơn đó là “Tận Đọa Tam Đồ Bất Năng Thoát Tục”. Tam Đồ là nấc thang tấn hóa trong Bát hồn. Một đồ  xuất phát từ kim-thạch-hồn lên đến nhơn-hồn thay vì được tấn hóa tiếp tục lên Thần hồn, Thánh Hồn, Tiên Hồn, Phật Hồn để được giải thoát thì khi lên đến nhơn hồn phải quay lại kim thạch hồn một lần nữa cho đến khi tấn hóa lên cho đến nhơn hồn. Phải đi như vậy ba vòng.

       Một vòng từ kim Thạch hồn đến Nhơn hồn phải mất một triệu năm trăm ngàn năm  (thuyết Đạo của ĐHP). Ba vòng như vậy là phải ngót trên bốn triệu năm. Thử hỏi con người chịu lặn hụp trong đau khổ như thế nào? Cái khổ trong cuộc sống đời người dù 100 năm thôi cũng đã không chịu nổi huống chi đến ngàn năm, một vạn năm, ức năm hay một triệu năm? Lúc đó con người sẽ chịu sự đau khổ thê thảm đến mức nào?

       Vì vậy mà  hôm nay, chúng tôi nhóm tín đồ già chúng tôi sưu tầm và phân tích những ý trên đây để cống hiến cho chư Bằng Hữu có ý muốn tìm hiểu suy gẫm để thấy sự khủng khiếp ấy mà răn mình tránh khỏi.

       Trở lại án Tam Đồ là do quyền thiêng liêng thi hành theo luật Công bình Thiên Đạo. Còn án Thập Hình thì do Hội-Thánh hữu hình định quyết và thi hành án. Khi bị phạt hữu hình là chúng ta sẽ được miễn phần phạt vô vi. Phàm trị khỏi Thiên trị.

       Một vấn đề mà chúng ta còn phân vân đặt câu hỏi, tại sao Đức Chí Tôn Từ Bi mà phải phạt chúng ta quá mức nặng nề khổ sở đến như vậy? Theo TNHT ghi: Thầy không vì thương mà ẳm bồng đưa lên, cũng không vì ghét mà hành phạt. Hình phạt mà ta chịu là do Thiên thơ định vậy.Theo Luật Tam Thể xác thân, chúng ta bị rơi vào con đường Tận Đọa Tam Đồ là do chúng ta chọn đi vào chứ không phải các Đấng Thiêng Liêng  gán ghép cho chúng ta. Chúng ta có thể hoàn toàn ung dung thoát khỏi nơi đó bằng cách giữ lời minh thệ.

       Khi phải quay vòng trong Tam Đồ Tận Đọa chơn linh của chúng ta không thể tiếp cận được với chơn thần vì chơn thần ô trược, nên chơn linh phải dật dờ chờ đợi thời gian kéo dài có thể đến 4 triệu năm.

       Theo các Thánh Giáo về Tam Thể Xác Thân, con người có ba thể: Xin trích một số đoạn để làm sáng tỏ thêm ý nghĩa quan trọng của việc PHẠM THỆ.

“Đệ-Nhứt xác thân (xác phàm). Khi xác thân nầy bị luật thay đổi của Tạo-Đoan thì nó không khi nào còn huờn hình lại được với Đệ-Nhị xác thân và Đệ-Tam xác thân. …. mà nó phải lộn với đất để nuôi những chất sanh như là thảo mộc, rồi từ thảo-mộc sẽ nuôi đến thú cầm, rồi cũng từ thú cầm, nó lại nuôi cho loài người, cũng như người ta bón phân đó. Nó vẫn ở lộn cùng đất mà thôi, chớ không thể bay đi đâu được.”

“Chơn-Thần (đệ nhị xác thân) là một thể vô hình bất tiêu, bất diệt, luôn luôn tiến-hóa hay ngưng trệ, do mỗi lần tái kiếp được dày công hay đắc tội. Còn nương theo thú chất hình vật là Đệ-Nhứt xác thân, là phải luân-hồi chuyển kiếp mãi mãi, chúng ta thường nói là bị đọa đó.”

“Những Chơn-Linh ấy hoặc do phạm thệ, hay trốn thệ mà phải bị như vậy. Đến lúc bị các điển nổ tan mà biến mất, theo Tam-Kỳ Phổ-Độ gọi là bị Ngũ-Lôi tru diệt đó. Những Chơn-Linh đó nếu nhẹ tội thì được nhẹ-nhàng hơn một chút, nên khi các điển phối hợp thì bay lên cao một chút, đặng khỏi tan, nhưng cứ vơ-vẫn mãi ở đó đặng nhìn lại cuộc thế chuyển xây, mà chúng ta gọi là tận đọa tam đồ bất năng thoát tục.”

“Đệ-Tam xác thân (chơn linh) là nền tảng cho sự tiến-hóa của nhơn-loại, thì lẽ dĩ nhiên nó phải chịu sự khảo-thí trong trường thi của Đức Chí-Tôn lập nơi mặt thế nầy. Nếu một Chơn-Linh thắng được cái thể thứ nhứt và chế ngự được những dục vọng của nó, thì mới được thăng vị. Còn như thắng thể thứ nhứt không đặng thì phải chịu hình phạt. Đó là luật công-bình của Đức Chí-Tôn, có công thì thưởng, có tội thì trừng.”

“-Khi Đệ-Nhị xác thân bị ngũ-lôi tru-diệt thì Đệ-Tam xác thân phải bị đọa mãi mãi cho đến khi có cuộc ân-xá của Đức Chí-Tôn thì mới được tái kiếp lại mà lập công chuộc tội.”

“Lúc khai Thiên lập Địa thì các đẵng Chơn-Hồn ấy phải đi từ vật-chất lên thảo-mộc, thú cầm, rồi mới chuyển kiếp làm người được. Tính ra, mỗi phẩm đi từ đầu chí cuối mà không bị lầm lạc, thì phải đủ chín chục ngàn kiếp ( 90.000 ) mới trở về thiêng-liêng vị được. Vì cớ mà các đẵng Chơn-hồn lúc bị lầm lạc, sa đọa, phải luân-hồi chuyển kiếp mãi mãi, chưa về đặng nơi cõi Thiêng-Liêng Hằng Sống.”

“Ngày nay các nguyên-nhân xuống thế mà hiện còn ở tại thế , đã chuyển kiếp mấy lần chín chục ngàn kiếp rồi. Bởi thế mà Chí-Tôn xây cơ chuyển thế cho các nguyên-nhân thấy rõ sự huyền-vi bất khả xâm phạm của Thiên-Điều , là dầu cho tay phàm kiếm đặng sự bí-mật của Tạo-Hoá mà họ có thể kiếm đặng sự sanh của Đức Chí-Tôn hằng dễ hay chăng?”

Nhìn cơ Đạo hiện nay nếu để tâm suy nghĩ ta sẽ nhận ra đâu là hành động phạm pháp, phạm Luật và đâu  là phạm Lời Minh Thệ không cần phải tìm hiểu sâu xa.

       Kết luận: Theo văn thư số 24  ngày 21-8-Mậu Thìn (06-10-2012) của Ngài Cải Trạng Lê Minh Khuyên có đoạn “…việc cầu phong, cầu thăng kỳ này, chức sắc Hiệp Thiên Đài chúng tôi không có chức năng và nhiệm vụ gì với tổ chức ngoài giáo pháp Chơn truyền của ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ Tòa Thánh Tây Ninh tức là không tôn trọng luật pháp…”. Ngài Cải Trạng đặc trách pháp luật của Đạo đã phán quyết một bản án “ngoài giáo pháp” chung cho tất cả chức sắc, chức việc của Hội Thánh hiện nay rồi đó.

       Với mỗi cá nhân chúng ta phải liệu sao để mình khỏi bị rơi vào khung hình phạt nặng nề của Luật Đạo. Nếu lầm lỡ thì ăn năn chịu thiệt sám hối cải sửa để chịu phàm trị khỏi thiên trị. Tuy hình phạt có nặng nề và khủng khiếp như vậy, nhưng các Đấng thiêng liêng có minh bạch chỉ trước cho chúng ta biết, để tránh và tránh một cách dễ dàng.

       Đến đây nhóm tín đồ già chúng tôi với trí lự hạn hẹp nên việc phân tích ý nghĩa và hình phạt  của hai việc phạm-tội và Phạm-Thệ chưa đầy đủ lắm xin cống hiến đến toàn thể quí đồng Đạo suy ngẫm mà chọn cho mình một cách đi ung dung tự tại trong cửa Đại Đạo là gìn giữ LỜI MINH THỆ  để tránh khỏi THIÊN TRU ĐỊA LỤC hoặc TẬN ĐỌA TAM ĐỒ BẤT NĂNG THOÁT TỤC.

Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Thánh địa, ngày 24 tháng 10 năm Mậu Tuất

Lược ghi

BÙI THANH AN

 

 

   

 

THƯ GIÃN

THÔNG TIN CHÚC MỪNG

PHÂN ƯU

KINH SÁCH VĂN BẢN

KỸ THUẬT

Y HỌC THƯỞNG THỨC

XEM VIDEOS

NGHE BÀI AUDIO

PHOTO ALBUMS

QUAN ĐIỂM

BÀI VIẾT MỚI

 

 

 

 

 

You're visitor # Hương Đạo Florida
                           Copyright © 2013-2014 HUONGDAOFLORIDA.COM. All Right Reserved. Site designed by Muoi Huynh and Thanh Le and hosted by Godady.com

      www.huongdaoflorida.com                                                                                                                                                             Address: 441 E Parkman Street- Plant City, FL 000000000                                                                                                                                                                 

                                                                                                                                                                                                                                                     Tel: 000-000-0000