May mà Trung Quốc tráo trở
Xuân Thành
Gửi tới BBC từ Đà Nẵng
Chia sẻ

Mặc dù có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, giới lãnh đạo quân
đội Việt Nam và Trung Quốc chưa bao giờ lớn tiếng.
“Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ. Trăng Trung Quốc tròn
hơn trăng nước Mỹ” - Câu thơ của Việt Phương phản ánh ý thức của
nhiều thế hệ người Việt ngày trước, đến nay vẫn còn được truyền
tụng.
Thế mà bây giờ Việt Nam lại ào ào đòi thoát Trung, người dân háo
hức kỳ vọng về chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang
Mỹ. Mỹ - như một vị cứu tinh, một ngôi sao sáng soi đường chỉ
lối cho Việt Nam.
Từ bao giờ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mới xấu xa và Hợp chủng
quốc Hoa Kỳ mới đẹp đẽ như thế?
Từ Mỹ xấu xa
Năm 2001, khi sự kiện 11-9 xảy ra, thầy giáo tôi đã nói trên lớp
rằng: “Bin Laden là một anh hùng”. Tất nhiên câu nói được cả lớp
ủng hộ nhiệt liệt.
Đối với người Việt Nam khi đó, mọi hành động của Mỹ đều đen tối,
có động cơ không đàng hoàng; và vì thế mọi thế lực đối nghịch
với Mỹ đều anh hùng, cao thượng. Dù có là khủng bố giết chết dân
thường đi nữa, thì nước Mỹ cũng xứng đáng phải chịu hậu quả như
vậy.
Trên cái đà đó, đương nhiên cuộc chiến Afghanistan để tiêu diệt
Taliban của Mỹ cũng xấu xa, cuộc chiến Irag năm 2003 càng dơ
bẩn. Chiến dịch tiêu diệt Saddam Hussein của Mỹ được thông tin
đến nhân dân Việt Nam chỉ đơn giản là Mỹ muốn chiếm nguồn dầu mỏ
của quốc gia Trung Đông.
Bin Laden và Saddam Hussein xuất hiện trên báo Việt Nam như
những vị lãnh tụ vĩ đại khi bắt đầu cuộc chiến rồi như những con
người thất thế đáng thương khi thua trận.
Không ai bận tâm tìm hiểu những người này thế nào, vì cứ chống
lại Mỹ là tốt. Bin Laden tốt, Saddam Hussein tốt, Iran tốt,
Triều Tiên tốt, Fidel Castro quá tốt, Putin cực tốt, và tất
nhiên: Trung Quốc ít nhất cũng tốt hơn Mỹ.
Cho đến Mỹ tốt

Chuyến
thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng được đánh giá theo cách
nhìn khác nhau
Thế rồi đột nhiên mọi việc quay ngoắt 180 độ. Đối với người Việt
Nam bây giờ, cứ chống lại Mỹ và phương Tây là xấu, hoặc ít nhất
phải có vấn đề gì đó.
Bin Laden và Taliban bị khinh bỉ như một bọn khủng bố man rợ,
Saddam Hussein phạm tội diệt chủng, Triều Tiên không biết thương
dân nghèo đói để phát triển vũ khí hạt nhân… tất cả đều là những
thể chế độc tài, lạc hậu…
Putin mới đây vẫn còn là người hùng bỗng vụt biến thành một kẻ
độc ác. Vụ máy bay MH17 bị bắn rơi năm ngoái đến nay vẫn chưa
xác định được thủ phạm, nhưng rất nhiều người Việt Nam không
ngần ngại khẳng định rằng Putin là kẻ chủ mưu chứ chẳng phải ai
vào đây. Nếu sự kiện Nga sáp nhập Crimea diễn ra vào khoảng 10
năm trước chắc sẽ được ủng hộ nhiệt tình, nhưng nay người Việt
coi đó là một trò hề.
Ngay đến cả cuộc khủng hoảng Hy Lạp mà truyền hình trong nước
đưa tin hướng người xem nghĩ đến việc châu Âu đang chèn ép Hy
Lạp, phần lớn mọi người vẫn tự tìm hiểu để biết rằng: đó là hậu
quả của việc làm ít chơi nhiều.
Người Việt không còn hả hê với việc Iran và Cuba chống Mỹ đến
cùng nữa, mà hồ hởi vì họ phải xuống nước để làm lành với phương
Tây.
Vì đâu có sự thay đổi đó?

Hành động đưa giàn khoan vào khu vực Biển Đông tạo làn sóng phẩn
nộ lớn tại Việt Nam.
Cái mốc cho sự thay đổi trong nhận thức của người Việt Nam bắt
đầu từ khoảng 5 năm trước, khi Trung Quốc bắt đầu có sự gây hấn
mạnh mẽ ở biển Đông.
Thật ra thì việc Trung Quốc có những hoạt động trên biển có lẽ
không phải chờ đến lúc đấy, nhưng đó là thời kỳ bùng nổ Internet
ở Việt Nam nên mọi thứ không thể giấu giếm thêm được nữa.
Người Việt khi đó mới ngỡ ra rằng: nước mình chẳng mạnh mẽ gì,
và Trung Quốc chứ chẳng phải Mỹ mới là kẻ thù thâm độc nhất.
Người Việt luôn tin tưởng vào vai trò “Canh giữ hòa bình thế
giới” của mình và người anh em Cuba, cho đến khi bị Trung Quốc
đe dọa, chúng ta mới biết rằng Việt Nam không có khả năng bảo vệ
ai hết.
Rồi hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Tại sao nước mình lại nghèo
thế, tại sao vị thế lại kém thế… Niềm tin vào những thứ vĩ đại
mơ hồ trước đây đã lung lay. Và công cuộc tự tìm kiếm thông tin
bắt đầu. Khi biết những chuyện như Hoàng Sa đã mất vào tay Trung
Quốc mà bao năm xem dự báo thời tiết vẫn tưởng là còn của mình,
người dân nhận ra có rất nhiều sự thật khủng khiếp vẫn được giấu
kín.
Trước đó người Việt không có nhu cầu tìm hiểu và bác bỏ mọi thứ
thuộc về hải ngoại. Qua thông tin chính thống, Việt Nam lúc nào
cũng giỏi cả, và cái gì cũng nhất. Sự yên ổn giả tạo ru ngủ
người Việt, làm cho họ vẫn sống với những ánh hào quang trong
quá khứ do mình tự vẽ ra.
Nhưng sự đe dọa của Trung Quốc làm giấc mơ ấy phụt tắt, mọi thứ
hết lung linh.
Trước đây, đối với người Việt, có những vị lãnh tụ không bao giờ
được phép nói xấu và bất cứ ai động đến những thần tượng đó đều
là xuyên tạc, vu khống. Nhưng nay, sự mất niềm tin làm cho họ
nhận ra rằng: những thông tin kia có thể là sự thật lắm chứ.
Rồi hàng loạt cuốn sách của những người thân cận với các lãnh tụ
ra đời, càng đọc người ta càng thấy những cái kém cỏi, xấu xa,
dốt nát; và tất nhiên, càng ghét chế độ bao nhiêu thì người ta
càng mê phương Tây bấy nhiêu.
Nhưng chú ý là những cuốn sách kiểu này không phải giờ mới có,
chỉ có điều nếu không có bước chuyển niềm tin quan trọng như đã
nói ở trên, chúng vẫn chỉ được xếp vào hạng “phản động, nói xấu
chế độ” do nghe theo các “thế lực thù địch” mà thôi.
Kết quả

Chính sách xoay trục về châu Á của Hoa Kỳ được xem là để đối phó
với hành động của Trung Quốc trong khu vực.
Dần dần, cái nhìn của người dân đối với chế độ đã thay đổi tạo
nên một sức ép đáng kể buộc lãnh đạo phải thay đổi theo nếu
không muốn mất quyền lực vào một ngày không xa.
Việt Nam đã trở nên khiêm tốn hơn. Trước đây, chúng ta rất khó
chịu với vai trò “Sen đầm quốc tế” của Mỹ. Chữ “Sen đầm” vốn
được phiên âm từ “Gendarme” trong tiếng Pháp, nôm na là để chỉ
cảnh sát. Từ này vốn không có gì xấu, nhưng Việt Nam gán với Mỹ
để ám chỉ việc Hoa Kỳ can thiệp khắp nơi trên thế giới.
Nay, thay vì tự coi mình là “Cảnh sát quốc tế” với nhiệm vụ
“Canh giữ hòa bình thế giới”, Việt Nam đã tự nguyện từ bỏ vai
trò đó và mong muốn Hoa Kỳ phải giữ đúng trách nhiệm “Sen đầm”
để giúp mình tránh khỏi sự đe dọa từ đất nước ở bên kia biên
giới mà trên danh nghĩa vẫn là anh em đồng chí.
Như vậy, cần phải nhìn lại những tác động của nước láng giềng
phương Bắc, nó không chỉ có tiêu cực mà còn có cả mặt tích cực
nữa. Không có mối họa Trung Quốc, Việt Nam vẫn mãi ảo tưởng về
bản thân và dậm chân tại chỗ.
Dù có thể chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ mới
đây chủ yếu là bất đắc dĩ do sức ép của phe cải cách, kết quả
của nó còn rất hạn chế và con đường để tiến tới dân chủ vẫn còn
mông lung, nhưng có một điều chắc chắn: Trung Quốc càng siết
chặt vòng vây bao nhiêu, Việt Nam càng phải cởi mở với Mỹ bấy
nhiêu.
Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm của tác giả.